Bản đồ Quảng Ngãi |
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XVIII, cùng với Bình Định, Quảng Ngãi cũng được xem là cái nôi của phong trào nông dân Tây Sơn ngay từ khi nó mới khởi phát và sau đó đã có những đóng góp không nhỏ vào các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc, tạo lập nên các chiến công oanh liệt đánh tan quân Xiêm, đại phá quân Thanh. Quảng Ngãi là quê hương của Trần Quang Diệu, Trương Đăng Đồ và nhiều vị văn thần, võ tướng khác của nhà Tây Sơn. Thời Pháp khởi sự xâm lược Việt Nam, Quảng Ngãi có Hộ đốc Võ Duy Ninh là vị chỉ huy cao cấp đầu tiên của triều đình Huế tử tiết vì thành Gia Định (1859); tiếp sau có Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân Nam Kỳ chống Pháp. Sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (1885), Quảng Ngãi là nơi phất cờ khởi nghĩa Cần vương chống Pháp đầu tiên ở Nam Trung Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân và mặc dù bị kẻ địch dìm trong bể máu, phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi vẫn liên tục tồn tại hàng chục năm sau.
Đầu thế kỷ XX, Quảng Ngãi ghi dấu vào lịch sử Việt Nam bằng những hoạt động mạnh mẽ, tích cực của Duy tân Hội, với các chí sĩ yêu nước Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết… đặc biệt là phong trào cự sưu, khất thuế rầm rộ, có tiếng vang trong khắp cả nước thời bấy giờ. Mặc dù bị kẻ địch đàn áp khốc liệt, nhiều nhà yêu nước và quần chúng bị địch giết hại, tù đày nhưng phong trào yêu nước ở Quảng Ngãi vẫn được tiếp nối với Việt Nam Quang phục Hội, xuất hiện hàng loạt chí sĩ, như Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Phạm Cao Chẩm… trong cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1916. Các phong trào, hoạt động yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tuy bị đàn áp đẫm máu, khốc liệt, nhưng lòng yêu nước của người dân Quảng Ngãi không vì thế mà bị dập tắt, nguội lạnh; ngược lại, nó đã liên tục bùng lên mạnh mẽ, nhất là sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam rồi Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Tiếng trống Đức Phổ vang động ngay từ năm 1930 đã lan ra toàn tỉnh. Người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là đồng chí Nguyễn Nghiêm hy sinh, nhưng cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục phát triển. Nhiều cán bộ Quảng Ngãi cũng góp sức cho phong trào cách mạng ở các tỉnh bạn, nhất là các tỉnh Nam Trung Kỳ. Nhiều chiến sĩ cộng sản xuất hiện như những tấm gương sáng ngời trong đấu tranh cách mạng. Quảng Ngãi là nơi bùng nổ của Khởi nghĩa Ba Tơ và thành lập Đội du kích Ba Tơ – tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V.
Trong Cách mạng tháng Tám, Quảng Ngãi là nơi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa sớm trong cả nước (14.8.1945) và trở thành cái nôi của vùng tự do Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Ngãi có những sự kiện quan trọng như cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tháng 8.1959, Chiến thắng Ba Gia 31.5.1965, Chiến thắng Vạn Tường 18.8.1965, đánh dấu được những chiến công huy hoàng; đồng thời, Quảng Ngãi cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát, điển hình là vụ thảm sát Sơn Mỹ 16.3.1968, làm chấn động dư luận thế giới và lương tâm loài người.
Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, Quảng Ngãi đã xuất hiện biết bao tấm gương hy sinh vì nước, rèn đúc được nhiều nhà lãnh đạo, nhiều vị tướng lĩnh tài ba thao lược, như Nguyễn Chánh, Trần Văn Trà, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn… và nổi bật là đồng chí Phạm Văn Đồng, người hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ XX.
Quảng Ngãi không chỉ nổi bật ở truyền thống yêu nước và cách mạng, mảnh đất này còn nổi bật ở truyền thống lao động sáng tạo, truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học.
Từ nhiều thế kỷ trước, hàng trăm guồng xe nước trên sông Trà Khúc và sông Vệ đã được xây dựng kỳ vĩ giữa non sông, khiến khách qua đây không khỏi ngạc nhiên, khâm phục và liên tưởng đến hình ảnh của sự nhẫn nại, đức cần cù và tiềm năng sáng tạo lớn lao của người dân miền Ấn – Trà. Từ một vùng quê nhiều giông bão, lũ lụt, hạn hán, bằng bàn tay và khối óc của mình, con người nơi đây đã cải biến cả vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt này thành nơi đất lành. Sản vật của tự nhiên qua bàn tay con người đã trở thành những món ăn đậm phong vị quê hương. Từ loài cá bống, cá thài bai nhỏ nhoi trên sông Trà mà khiến người nơi xa phải nhớ. Từ loài nhuyễn thể vùng nước lợ mà thành món don đậm hương quê nhà. Quảng Ngãi còn nổi tiếng là xứ sở mía đường, là nơi sản xuất đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha và rất nhiều món ăn đặc sản khác. Ở miền núi thì có ốc đá, cá niêng, có rượu đót, rượu cần. Ở hải đảo thì có hải sâm và nhiều loài hải sản mặn mà vị biển. Đồng bằng có vị ngọt của mía thì miền núi có vị thơm nồng của quế Trà Bồng, vị thơm cay của cau Sơn Hà, Sơn Tây, vị ngọt chát của chè Minh Long, vị ngọt lịm của dứa Ba Tơ.
Vượt lên những lo toan cơm áo hằng ngày, người Quảng Ngãi biết tạo dựng nhà rường, nhà lá mái ở miền xuôi, nhà sàn ở miền núi. Những câu ca dao, điệu hò, điệu lý, hát bả trạo, sắc bùa, bài chòi ở miền xuôi; những khúc dân ca, dân nhạc miền núi; những lễ hội… cùng tạo cho cuộc sống người dân đất này thêm phần đáng yêu và mang nhiều dáng nét riêng. Quảng Ngãi là nơi sinh thành của một số nhà thơ, của các nghệ sĩ lớn của đất nước. Quảng Ngãi nổi tiếng là đất học từ xưa với nhiều nhà khoa bảng Nho học, sang thời kỳ Tân học và nền giáo dục cách mạng càng nổi lên truyền thống hiếu học với nhiều người học giỏi, nhiều người trở thành những nhà học thuật nổi tiếng trong nước.
Trung tâm thành phố Quảng Ngãi |